Sử dụng wordpress nên chọn hosting như thế nào
731 views

Có một vấn đề muôn thuở luôn được đặt ra khi sử dụng WordPress là làm sao để tìm được một hosting tốt nhất để dùng WordPress. Về cơ bản thì WordPress đều có thể chạy được trên các hosting hỗ trợ PHP và MySQL (tốt nhất là PHP và MySQL 5 trở lên), nhưng hầu như 2 yêu cầu cơ bản đó chưa phải là đầy đủ khi mà có rất nhiều người sử dụng các hosting cũng hỗ trợ tốt 2 cái này nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn khi sử dụng WordPress, mà lỗi phổ biến là một số plugin quan trọng cài không được, upload ảnh bị lỗi và một số lỗi rất khó chịu.

Đó là lý do vì sao trước khi bạn sử dụng WordPress thì hãy nên cân nhắc thật kỹ trong việc chọn hosting, nhất là các dự án phát triển lâu dài. Nếu các bạn không có kinh nghiệm trong việc chọn hosting thì đừng quá lo lắng, mình sẽ giúp các bạn hiểu nên chọn hosting nào để sử dụng WordPress tốt nhất trong bài viết này.

Kinh nghiệm chọn hosting cho WordPress

Tất cả các gói host trong danh sách host tốt nhất đều hỗ trợ toàn bộ các yêu cầu bên dưới.

1. Nên chọn hosting sử dụng PHP Handler là SuPHP, FastCGI

Khái niệm PHP Handler các bạn nên hiểu đơn giản là một cái gì đó để xác định quá trình biên dịch các đoạn mã PHP trong WordPress đến máy chủ để truy xuất dữ liệu đến đầu cuối, tức là người dùng. Mỗi PHP Handler luôn có các thuộc tính và ưu nhược điểm khác nhau nên tùy vào thời điểm mà nên chọn PHP Handler cho phù hợp. Để sử dụng WordPress tốt nhất thì bạn nên chọn các hosting sử dụng PHP Handler là SuPHP hay FastCGI, bởi vì:

Khi cài plugin thông qua wp-admin, bạn không cần phải nhập lại thông tin login FTP của hosting.
Các plugin sẽ được tự động cài đặt các bước cần thiết như tự CHMOD, tự sửa file .htaccess, tự tạo thêm file. Nếu các bạn dùng một số hosting Việt Nam (PHP Handler là DSO) thì sẽ nhận ra một cái phiền phức khi cài một số plugin quan trọng là phải tự tay CHMOD, sửa file .htaccess lung tung cả lên, mà sau khi sửa xong thì chưa chắc nó đã chạy được vì nó không tự cấu hình trong các file config. Điển hình là plugin WP Super Cache.
Ít tốn tài nguyên CPU hơn (nếu dùng FastCGI).

Bảo mật tốt hơn vì khi một file được upload lên hosting, các file hay folder đó sẽ được CHMOD theo đúng quyền của nó. Khi cài plugin cũng vậy. Chuẩn CHMOD của 2 PHP Handler này là 644 cho folder và 755 cho file.

2. Hỗ trợ ionCube Loader và Zend Optimizer

ionCube Loader là một module được dùng để đọc và biên dịch các tập tin PHP đã được mã hóa và đóng gói bằng ionCube Package Foundry.

Còn Zend Optimizer là một plugins của PHP dùng để tối ưu và biên dịch các đoạn code đã được mã hóa bởi Zend Guard.

Vì sao bạn lại cần 2 tính năng này hoạt động? Bởi vì nếu bạn đã xác định có sử dụng một số plugin trả phí thì đa phần họ đều mã hóa bằng Zend và ionCube hết để phòng chống các trường hợp null trái phép hay ăn cắp mã nguồn. Không chỉ các plugin trả phí mới có mà đôi khi một số plugin miễn phí cũng cần bạn có cài 2 module này thì mới hoạt động được, CommentLuv là ví dụ điển hình.

Cũng dễ hiểu, nếu hosting bạn dùng không hỗ trợ ionCube Loader và Zend Optimizer thì không thể nào sử dụng các plugin đó được.

3. mod_rewrite, mod_deflate hoặc mod_gzip phải được bật

mod_rewrite là một thành phần mở rộng của Apache dùng để viết lại URL của website. Còn mod_deflate hoặc mod_gzip là thành phần mở rộng dùng để nén các dữ liệu được tải xuống trình duyệt nhằm để tăng tốc độ truy cập website, đối với Apache 2.0 thì nó sử dụng mod_deflate còn các phiên bản Apache cũ hơn thì nó sử dụng mod_gzip.

Sở dĩ mình luôn khuyến khích các phần mở rộng này luôn được bật là vì khi sử dụng WordPress, bạn sẽ có nhu cầu sử dụng permalinks (đường dẫn tĩnh) để thay thế đường dẫn động (http://example.com/?p=ID), thứ nhất là để SEO blog WordPress tốt hơn, thứ 2 là làm đẹp đường dẫn bài viết trên blog. Nếu mod_write của bạn không được bật thì bạn cũng không thể sử dụng tính năng viết lại đường dẫn này trong WordPress.

Trong bài Hướng dẫn tăng tốc blog WordPress của mình có đề cập tới việc sử dụng mod_deflare để nén dữ liệu tải về trình duyệt để tăng tốc độ truy cập website, không có mod này thì trang WordPress bạn vẫn chạy bình thường nhưng tốt nhất là nên có nó để bạn có thể sử dụng tốt các chức năng gzip có trong WP Super Cache hay W3 Total Cache.

4. Dung lượng đĩa và băng thông phải thật “thoải mái”

Không nhất thiết bạn phải sử dụng hosting hỗ trợ băng thông và dung lượng không giới hạn (Unlimited – mà chưa chắc nó đã “unlimited” thật) nhưng tốt nhất là bạn nên sử dụng các gói hosting có dung lượng tầm 5GB trở lên, băng thông cũng khoảng từ 50GB trở lên. Vì sao?

Thói quen của chúng ta là thường upload ảnh trực tiếp lên host khi viết bài, điều này có một ưu điểm là nhanh, gọn, không bị tình trạng link ảnh bị die (trừ khi cái blog nó die luôn) và quan trọng là tăng tốc độ tải trang khi bài viết chứa hình ảnh không bị phụ thuộc vào các kết nối ở bên ngoài. Nhưng có một nhược điểm khá khó chịu trong WordPress là nó sẽ tự động sản sinh ra một số file ảnh khác trên cùng một tấm ảnh nhưng có kích thước khác nhau, hoặc nếu bạn có sử dụng timthumb thì ôi thôi, file cache của nó có khi còn nhiều hơn cái thư mục uploads của bạn.

Không nên bỏ qua: Các plugin và cách tối ưu hình ảnh trên WordPress

Đã có nhiều hình ảnh, thì ắt băng thông cũng phải tốn khá nhiều khi hình ảnh luôn là tác nhân làm tốn băng thông phổ biến nhất. Bạn cũng có thể sử dụng CDN để giảm tải cho băng thông nhưng chi phí nó cũng không được rẻ cho lắm, tốt nhất là hãy tìm một hosting có dung lượng băng thông kha khá một tí, đỡ phải nơm nớp lo hết băng thông mỗi ngày. Giá cả cũng không quá đắt, cuối bài này mình có giới thiệu cho bạn một vài nhà cung cấp băng thông nhiều nhưng giá cả phải chăng.

Làm sao để kiểm tra các thông tin kỹ thuật ở trên?

Không còn cách nào khác là hãy liên lạc với bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của nhà cung cấp hosting bạn định Register để hỏi về 4 yếu tố ở trên, nếu họ có hỗ trợ đầy đủ thì oke. Bạn nên tiến hành xem xét thêm 1 vài tiêu chí ở dưới đây để quyết định có nên sử dụng hay không.

Một số kinh nghiệm khi chọn hosting

Ở trên là 4 lưu ý cơ bản khi chọn hosting để phục vụ cho việc sử dụng WordPress, tuy nhiên đó là những yếu tố mang tính kỹ thuật, còn một số yếu tố quan trọng khác liên quan đến túi tiền và….sức khỏe của bạn mà bạn cần nên biết. Không đùa đâu, chọn hosting sai lầm cũng ảnh hưởng tới sức khỏe khi mà bạn có thể mang “cục tức” vào thân :what:

1. Chất lượng hỗ trợ khách hàng

Có thể nhà cung cấp A có tốc độ hơi chậm 1 xíu so với nhà cung cấp B, nhưng nếu nhà cung cấp A có dịch vụ hỗ trợ khách hàng thân thiện, nhiệt tình trong khi nhà cung cấp B hỗ trợ rất “củ chuối” thì mình thà sử dụng nhà cung cấp A. Do đâu?

Thứ nhất đó là bản thân mình không phải là một dân rành kỹ thuật các vấn đề liên quan đến hosting, trong quá trình sử dụng rất có thể mình sẽ gặp một số vấn đề từ đơn giản đến nghiêm trọng như website bị down, lỗi cơ sở dữ liệu, mất dữ liệu, bị tấn công. Thì lúc này mình không có cách nào hơn là liên lạc với bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của nhà cung cấp để báo lỗi và họ sẽ kiểm tra rồi khắc phục cho mình, và có thể chỉ sau đó vài phút thì website của mình đã hoạt động trơn tru không “tì vết”. Còn nếu bạn gặp nhà cung cấp có chất lượng hỗ trợ tồi tệ (như Mochahost chẳng hạn) thì bạn xác định “tổn hao nguyên khí” khi mà website bị không thể truy cập được cả ngày, mà gửi liên hệ thì không ai trả lời. Bởi vì nếu có các lỗi này xảy ra, không ai có thể giúp bạn ngoài nhà cung cấp quản lý hosting của bạn, bạn có thể tự khắc phục được nếu như bạn sử dụng…..máy chủ riêng (Dedicated Server) hoặc máy chủ ảo riêng (Vitrual Private Server).

2. Chất lượng uptime của máy chủ

Mình cá với bạn rằng 99,99% các nhà cung cấp hosting hiện nay đều quảng cáo cam kết uptime 99,99%, tức là họ nói rằng hosting của họ sẽ có rất rất ít khả năng bị down, nếu không muốn nói là chẳng bị down bao giờ cả. Nhưng ôi thôi, nói thì nói sao cũng được nhưng có một số nhà cung cấp mình đã trải nghiệm và có thể nói là luôn luôn “downtime 50%” chứ chẳng có up ót gì. Gặp các nhà cung cấp hosting chất lượng kém khi mà luôn để server phải chịu các trận DDoS từ phía “kẻ địch” thì xác định khả năng uptime chỉ còn 10%.

Vấn đề uptime luôn rất quan trọng, hãy tưởng tượng khách của bạn muốn vào website nhưng lại không thể truy cập được, thế có chết và mất doanh thu không cơ chứ. Dù là support có tệ đi chăng nữa nhưng ít nhất tỷ lệ uptime phải ổn ổn một tí. Vài ba ngày down 10 phút cũng có thể gọi là chấp nhận được (các nhà cung cấp chất lượng hiếm khi thấy tình trạng downtime xảy ra, hoặc có thì họ sẽ thông báo trước để bạn biết, và thời gian không bao giờ kéo dài trên 60 phút).

Trong các hosting mình biết thì có Eleven2 là sẽ chủ động gửi thông báo cho các khách hàng của họ biết khi họ có sự cố liên quan đến uptime.

3. Không bị giới hạn 1 addon domain hay 1 database

Đa phần các gói hosting chất lượng cao giá rẻ hiện nay đều bị giới hạn chỉ được phép sử dụng 1 domain và số lượng database được phép sử dụng. Đây có thể là vấn đề không mấy quan trọng đối với những ai chỉ cần chạy một website duy nhất trên hosting đó, nhưng nếu bạn là người táy máy, thích mở nhiều website thì tốt nhất là hãy xem kỹ thông số hosting cần Register hỗ trợ bao nhiêu addon domain, tệ lắm thì cũng phải 3 trở lên. Bởi vì nếu bạn có muốn triển khai thêm các website phụ khác thì cũng dễ dàng hơn, đỡ phải tốn tiền mua thêm gói hosting khác.

4. Datacenter phải ở nơi gần nhất với đối tượng khách truy cập

Datacenter càng gần ở nơi bạn thì tốc độ kết nối vào website càng nhanh, đó là lý do dễ hiểu vì sao bạn truy cập các hosting tại Việt Nam thấy nhanh như gió, nhưng thật sự thì mỗi lần mình vào các website sử dụng hosting tại Việt Nam thì là cả một ác mộng.

Thực chất hiện nay hiếm có nhà cung cấp hosting nào có Datacenter tại Việt Nam có chất lượng dịch vụ và hỗ trợ như mong muốn, nhưng thay vào đó bạn vẫn có thể sử dụng các hosting khác hỗ trợ datacenter tại Bắc Kinh, Singapore hay Ấn Độ cũng được. Điển hình là có 2 nhà cung cấp rất tốt hỗ trợ datacenter tại Singapore mà mình được biết đó là Site5.

Cách tìm nhà cung cấp hosting chất lượng dễ dàng nhất, nhanh nhất

Có một cách duy nhất giúp bạn không phải mất nhiều công sức đi tìm các nhà cung cấp hosting tốt đó là hãy tham khảo các bài viết đánh giá hosting của mình, hoặc mua các hosting mà mình đang tiến hành đặt banner bên tay phải. Thứ nhất, đây là các nhà cung cấp hosting thật sự tốt mà mình khuyên các bạn nên dùng, bởi khi mình muốn treo banner của nhà cung cấp nào thì mình đã chắc chắn rằng mình đã thử nghiệm nó, chất lượng từ tốt trở lên thì mình mới dám đặt banner để giữ vững uy tín của mình.

Thứ hai, đó là các bạn sẽ có cơ hội ủng hộ mình khi mua các hosting thông qua việc nhấp vào các banner mà mình treo, mình sẽ được nhận tiền huê hồng và đó là yếu tố chính giúp blog mình phát triển bền vững, nhiều quà tặng hấp dẫn cho mọi người.

Thêm một thông tin khác nữa đó là mình đặc biệt chú trọng đến chất lượng hosting và có sở thích dùng thử hosting, vì vậy mình sẽ có những bài đánh giá khách quan nhất, chính xác nhất đến với mọi người.

Nguồn bài viết từ tin nong trong ngay

"Thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn đáng tin cậy và nên chỉ sử dụng như một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin, không nên lạm dụng để vi phạm các quy định pháp luật."