Khổ sở vì ông chồng mê nhậu
737 views

Lấy nhau được 4 năm, chị Thảo (Hà Đông, Hà Nội) không biết bao lần ôm con khóc vì chồng đi nhậu liên miên, khuya chưa biết đường về.  

“Có những khi con sốt, gọi bảo chồng trên đường về mua thuốc, đợi mòn mỏi, mình chán đưa con đi bác sĩ, về nhà vẫn không thấy chồng đâu”, người phụ nữ 31 tuổi chia sẻ.

Chị Thảo kể, từ hồi mới yêu, chị thấy anh đã hay uống rượu với bạn nhưng khi đó chỉ nghĩ thanh niên trẻ ai chẳng vui vậy nên không lo nhiều. Khi lấy nhau rồi, anh vẫn giữ nguyên tính ham vui kiểu này, thậm chí còn viện thêm nhiều lý do để chén tạc chén thù: đi tiếp khách, liên hoan cơ quan, họp lớp cũ, mừng tân đồng nghiệp, an ủi thằng bạn có chuyện buồn, giải khát sau trận bóng…

“Mình đang bầu đứa thứ hai mà đi làm về là lao tới đón con lớn rồi vội vàng chợ búa, cơm nước… rồi mòn mỏi đợi. Có những hôm mệt quá thiếp đi, tới 1-2 giờ đêm dậy vẫn không thấy chồng đâu. Gọi điện lần nào anh cũng nói ‘sắp về rồi’. Oải không chịu được”, chị Thảo kể.

Chị cho biết, gần đây, khi có bà ngoại lên chơi mấy ngày mà hầu như chồng chị không về nhà ăn cùng bữa cơm nào. Mới đây nhất, quá ức chế, thao thức không ngủ được khi nửa đêm anh chưa về, sẵn có mẹ trông giùm con gái lớn, chị xách xe lao ra đường tìm chồng.

Chị Thảo kể, lúc thấy chị xuất hiện ở quán, đám bạn nhậu của anh cũng tỏ vẻ ái ngại. Chồng chị theo vợ về nhưng lại trách chị không hiểu và thông cảm cho anh, làm mất mặt chồng. Hai người lời qua tiếng lại rồi anh cáu giơ thẳng tay tát vợ.

“Mình thực sự cảm thấy quá mệt mỏi và cô đơn, không thể chịu tiếp cảnh này”, chị tâm sự.

Nhiều ông chồng ham nhậu tới mức quên hết trách nhiệm với gia đình. Ảnh minh họa: Phan Dương.
Nhiều ông chồng ham nhậu tới mức quên hết trách nhiệm với gia đình. Ảnh minh họa: Phan Dương.

Cũng vì ham rượu, tiền chồng làm ra bao nhiêu chị chưa nhìn thấy một đồng. Chị kể, mỗi lần bảo anh đưa tiền để trang trải cho gia đình, đóng học là anh nói “hết rồi”, “dạo này kẹt quá” thậm chí bẳn mù lên. Khi chị trách “tiền cho vợ con không có nhưng nhậu đều” thì anh bảo “được chiêu đãi”…Cũng rơi vào tình cảnh có chồng ham rượu như như cục nợ, chị Hiền (Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội), kể, chị không hiểu rượu có ma lực gì mà chồng chị ham tới mức quên hết mọi thứ. “Dù vợ ốm nằm nhà hay con đợi dài cổ ở trường nhưng bạn gọi đi nhậu là tới luôn. Ngày 20/10, chồng bận nhậu để ‘mừng ngày phụ nữ’, tới tối mới về chở vợ con đi ăn nhưng ra nhà hàng gặp bạn là sà vào mâm đó luôn. Dẫn vợ con đi du lịch cùng cơ quan thì anh ta cũng say sưa nhậu với các chiến hữu. Về quê vợ ăn cưới thì uống từ đầu bữa tới đêm để gia chủ phải ra đuổi khéo…”, chị Hiền bức xúc kể.

>>> Xem những tam su tham kin về tình yêu

Nửa năm trước, trong một lần nhậu say, chồng chị trên đường về va quệt và gây sự với hai người, gặp đúng đầu gấu nên bị chúng đánh cho thừa sống thiếu chết. Tới lúc nhập viện, phải đi chụp chiếu để điều trị, anh vẫn lảm nhảm trong khi thở ra nồng nặc mùi rượu khiến các các bác sĩ ngao ngán. “Mình tự nhủ có lẽ chồng sẽ bớt nhậu sau vố đau như vậy nhưng khi khỏi hẳn, anh ta lại ngựa quen đường cũ”, chị Hiền nói.

Theo một báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế hồi tháng 5, rượu bia liên quan tới 1/3 số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Trẻ em cũng là nạn nhân với hơn 11% các em được hỏi từng bị mắng chửi hay không ít trẻ bị bỏ mặc, đánh đập… sau khi cha mẹ dùng bia rượu.

Cũng theo báo cáo này, dù Việt Nam có bình quân thu nhập đầu người đứng thứ tám ở khu vực Đông Nam Á nhưng bình quân tiêu thụ rượu bia lại đứng đầu. Tiêu thụ rượu bia ở thanh thiếu niên đã tăng mạnh, tới 10% ở nam và 8% ở nữ, trong thời gian gần đây so với 5 năm trước.

Năm 2014, một nghiên cứu tại TP HCM về thực trạng lạm dụng rượu bia của nam sinh viên và người trưởng thành trẻ tuổi cũng cho thấy cứ 10 người được hỏi thì có 2 người “nghiện nhẹ”, hơn 2 người “có xu hướng lạm dụng” và 4 người “sử dụng rượu bia một cách bình thường”.

Trưởng nhóm thực hiện nghiên cứu này, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Đại học sư phạm TP HCM cho rằng, lạm dụng rượu bia có thể gây ra hàng loạt hậu quả như là tốn tiền, giảm sức khỏe, thay đổi hành vi theo hướng tiêu cực… “Rượu có thể trở thành bóng ma của hạnh phúc gia đình”, ông nói.

Theo nhà tâm lý, nghiện rượu bia rất dễ đẩy cá nhân đến những hành vi lệch chuẩn: Ở mức độ nghiện nhẹ, đó có thể chỉ là nói dối để được uống, cáu gắt khi bị ngăn cấm. Ở mức độ nặng hơn là mượn hoặc lấy tiền của người khác để thỏa mãn ý thích. Nếu nghiện rượu bia ở mức độ nặng có thể dẫn tới các hành vi nghiêm trọng như xô xát với người khác, gây bạo hành gia đình…

Ông Huỳnh Văn Sơn cho rằng, thực tế, nhiều phụ nữ cảm thấy bất lực khi tìm cách để chồng hạn chế bia rượu. Theo ông, việc này đúng là rất khó nhưng vẫn có những người có thể thay đổi. “Quan trọng nhất là chị em cần hiểu rằng, nếu anh ấy đã nghiện bia rượu thì càng cần sự hỗ trợ nhiều hơn”, ông nói.

Theo ông, ngay từ khi mới chung sống, vợ chồng cần có sự thống nhất về quan điểm sống và việc tuân thủ các quy định chung trong gia đình để mỗi thành viên có ý thức tự nguyện thực hiện. Người vợ thay vì chủ động kiểm soát tới mức mệt mỏi thì nên kích thích để bản thân chồng cố gắng thay đổi. Ngoài ra, bạn đừng quá quan trọng chuyện chồng có uống rượu hay không mà hãy khuyến khích anh ấy thực hiện trách nhiệm và tình thương với gia đình thì hiệu quả và bền vững hơn.

>>>Những y tuong kinh doanh hay nhất 2015