bảo vệ con không bị kẻ biến thái lợi dụng
686 views

day con ngoan là phương pháp của các ông bố bà mẹ giỏi. và cách bảo vệ con mình cũng là phương pháp rất tinh tế đặc biệt với các bảo vệ con khỏi kẻ biến thái
Người mắc bệnh “ấu dâm” (có ham muốn tình dục và có hành động tình dục với trẻ nhỏ) có thể xuất hiện ở khắp mọi nơi, bất kỳ nước nào, dưới bất kỳ hình thái xã hội nào và ở bất kỳ địa điểm nào.

Tuy nhiên, những người này có thể che giấu sự bệnh hoạn của mình bằng nhiều cách, trong đó có không ít kẻ thể hiện bên ngoài là người đàng hoàng, đáng tin cậy, vui vẻ, yêu thương trẻ nhỏ.
Cẩn thận với những người nào tỏ ra yêu thương thái quá con bạn, tặng con bạn rất nhiều quà. Chỉ cần người lớn một phút lơ đãng, đứa trẻ có thể rơi vào vòng nguy hiểm vì những kẻ bệnh hoạn như vậy. Nhưng cũng chỉ cần người lớn để ý xung quanh một chút thì sẽ nhanh chóng phát hiện ra kẻ bệnh hoạn đó.

Trên trang web chuyên đưa ra những lời khuyên giúp cha mẹ bảo vệ an toàn cho con cái trước những kẻ ấu dâm , các chuyên gia tâm lý và tội phạm đúc kết một số lời khuyên cho các bậc cha mẹ như sau:
– Cha mẹ nên nghi ngờ bất kỳ ai thích dành thời gian với con bạn nhiều hơn với bạn. Kiều người này thường đề nghị được chăm sóc con bạn, hoặc dành thời gian chơi riêng với con bạn. Hãy cẩn thận với những người nào tỏ ra yêu thương thái quá con bạn, tặng con bạn rất nhiều quà. Những kẻ biến thái thường cố tìm cách lấy lòng con trẻ bằng nhiều cách, lắng nghe và chia sẻ để biết điểm yếu và điểm mạnh của con bạn để dễ bề lợi dụng.
– Cha mẹ hãy thật khó tính khi chọn người nhờ chăm con lúc bận làm việc khác.
– Cha mẹ hãy để ý xem thái độ của con bạn với người đó thế nào, có sợ sệt, lo lắng không.
– Cha mẹ hãy chỉ bảo cho con những bộ phận nào trên cơ thể là tuyệt đối không để người khác sờ vào, ví dụ những phần mà chiếc áo tắm đã che lại. Nếu có, con cái phải nói ngay với cha mẹ, và cha mẹ hãy tin con mình trong những trường hợp em báo bị lạm dụng, vì thường trẻ con không biết bịa đặt những điều như vậy.
– Hãy nói với con rời ngay những địa điểm gây cảm giác sợ hãi hay lo lắng.
– Cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng trong gia đình không có gì gọi là bí mật giữa bố mẹ và con cái. Những kẻ ấu dâm thường dọa nạt, thuyết phục, ép con bạn giữ bí mật về những hành vi chúng đã thực hiện.
– Không để cho con đi vào nhà vệ sinh công cộng một mình và luôn biết con mình đang ở đâu, với ai.
– Nếu con bạn có bất kỳ thái độ khác lạ nào như khó ngủ, gặp ác mộng, vẽ hình liên quan tới tình dục hay có những hành động tình dục khác với những đứa trẻ khác, sợ hãi địa điểm hay người mà trước đây em không sợ thì bạn cần phải nghi ngờ và tìm hiểu.
– Hãy để ý những điểm bất thường trên cơ thể con bạn như đi lại khó, bị bầm tím ở bộ phận sinh dục…
– Hãy cho con cái ăn mặc kín đáo.
Cách tốt nhất bảo vệ con bạn là khiến con bạn trở thành mục tiêu khó tiếp cận với những kẻ bệnh hoạn. Các chuyên gia tâm lý cho biết phần lớn những kẻ biến thái sẽ bỏ cuộc nếu tình hình không thuận lợi. Tuy nhiên, phát hiện ra kẻ biến thái là một chuyện, nhưng nếu cha mẹ hoặc người lớn xung quanh không hiểu phải làm gì để ngăn chặn những kẻ đó thì hậu quả vẫn có thể xảy ra.
Điều đáng buồn là những bậc cha mẹ biết con mình đang gặp nguy hiểm nhưng lại quá nhẹ tay đối với những kẻ đó, như “la mắng và ngăn cấm” như trong trường hợp của bé N. ở huyện Hóc Môn (Tuổi Trẻ ngày 22-10-2012) để rồi hối hận cũng đã muộn màng. Những đau đớn thể xác và di chứng đối với tâm lý con trẻ sẽ còn theo các em rất lâu dài. Trước khi công an có thể giúp, bạn hãy chủ động tự giúp con mình với việc thu lại bằng chứng.
DẠY CON TÍNH TỰ GIÁC: BƯỚC ĐẦU LÀM CHỦ BẢN THÂN

Có lẽ bất kỳ ai trong chúng ta, đều đã từng vài lần chìm đắm trong cái đám đông hỗn độn vì kẹt xe ngoài đường phố. Ngoài những lý do khách quan mà ai cũng biết, thì một yếu tố cũng không kém phần quan trọng góp phần làm cho tình trạng này trở nên rối rắm hơn, đó là khi người tham gia giao thông không có ý thức tự giác chấp hành chuyện nối đuôi nhau và không vượt qua bên trái đường.

Đây chỉ là một trong rất nhiều tình trạng chưa tốt trong xã hội chúng ta, do việc mỗi người chưa có được ý thức về việc phải gìn giữ môi trường một cách tự giác, mà chỉ chấp hành đôi khi rất miễn cưỡng, nếu có sự giám sát của giới hữu trách. Điều đó cho thấy, ý thức tự giác không thể tự nhiên hình thành mà phải trải qua một quá trình giáo dục lâu dài.

“Gieo hành động, gặt thói quen – Gieo thói quen, gặt tính cách – Gieo một tính cách, gặt số phận”

Đây là điều mà hầu như ai cũng biết. Nhưng trong việc giáo dục con, đôi khi chúng ta không gieo mà chỉ thích gặt, hay có khi lại muốn nhờ người khác gieo hộ cho mình hoặc chỉ biết há miệng chờ sung! Trong khi đó sự phát triển nhận thức để hình thành nhân cách của trẻ thì lại không biết chờ, mà lại còn sẵn sàng tiếp nhận những mầm mống không tốt đầy rẫy xung quanh trẻ để gieo vào tâm hồn trẻ những thói quen xấu!

Vì thế việc tập cho trẻ có những hành động tự giác ngay từ nhỏ, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất, chính là biện pháp tốt nhất để gieo vào tâm hồn các em ý thức tự chủ trong mọi hành vi ứng xử sau này.

KHI NÀO THÌ CÓ THỂ DẠY TRẺ Ý THỨC TỰ GIÁC?

Chúng ta đã biết là ý thức về bản thân được hình thành từ khi trẻ đi những bước chập chững để từng bước khám phá thế giới chung quanh lúc trên 1 tuổi. Nhưng sự nhận thức về cái Tôi – phân biệt được bản thân, biết rõ về sơ đồ cơ thể thì chỉ khi đến 3 tuổi, trẻ mới có được sự nhận biết rõ rệt nhất – Trẻ mới biết nói không, thậm chí còn hơi bị…nhiều khi cái gì cũng…không, dù sau đó nếu mẹ cất đi không cho thì lại…khóc!
Vì vậy, để có sự tiếp nhận tốt nhất những hướng dẫn nhằm giúp trẻ hành động và ý thức về tính tự giác, thì các bậc cha mẹ nên bắt đầu trong giai đoạn xung quanh 3 tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ đã bớt dần tính ái kỷ, là tính chỉ biết có mình và suy nghĩ “cái gì trong tay ta là của ta.” Trẻ bắt đầu mở rộng mối quan hệ với những trẻ khác, biết quan tâm đến những người và sự kiện xung quanh mình, biết chơi chung với bạn bè. Vì vậy việc cho trẻ đi học là cần thiết. Đây cũng là thời điểm thích hợp để giúp trẻ có được những ý thức về tự giác và bắt đầu có sự phát triển về trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng như về tư duy logic.

DẠY TRẺ SỰ TỰ GIÁC BẰNG CÁCH NÀO?

Khi đứng trước một trang giấy trắng, ai cũng có cái cảm giác là muốn viết hay muốn vẽ một cái gì lên đó. Đứa trẻ tương tự như một tờ giấy trắng, chúng ta cũng rất thích tác động lên đó. Chúng ta có thể vẽ lên đó những hình ảnh đẹp, và cũng có thể bôi bẩn nó bằng những nét nguyệch ngoạc vô ý thức. Vì vậy, khi muốn dạy cho trẻ ý thức tự giác, chúng ta phải biết dùng cách nào, công cụ nào để vẽ lên tờ giấy đó những hình ảnh hữu ích, nếu không thì chính chúng ta đang bôi bẩn tâm hồn đứa trẻ!

Để dạy trẻ thì phải chăng là chúng ta sẽ đối diện, và nói với bé là con phải ngoan, con phải biết tự đi đánh răng mỗi buổi sáng, tự lấy quần áo ra mặc, buổi tối phải tự biết lấy vở ra chép bài không thì mẹ sẽ phạt 3 roi?

Điều đó đúng, nhưng chỉ đúng với chúng ta, đúng với cái suy nghĩ logic của người lớn chứ không phải với sự nhận thức và tư duy của một trẻ lên 3! Trẻ cũng có thể làm nhưng thường chỉ làm được khi chúng ta phải nhắc nhở nhiều lần hay dưới sự giám sát của người lớn hoặc sau rất nhiều cái …3 roi! Nói cách khác, yêu cầu thì hoàn tất nhưng ý thức tự giác vẫn là con số 0, thậm chí còn hình thành tính chống đối, không bắt buộc thì sẽ không làm!

Thế thì phải dạy bằng cách nào? Chúng ta hãy biến những hoạt động mang tính bổn phận thành những trò chơi – mà đối với trẻ em, thì trò chơi chính là các hoạt động rất nghiêm túc! Vì thế khi chúng ta chơi trò “mèo con rửa mặt” hay “thỏ mặc quần áo nhanh” hoặc “xem ai nhanh hơn” .v.v. là chúng ta đang “làm việc” với trẻ hay đang “dạy” trẻ một cách nghiêm túc đấy!

DẠY TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Không phải chỉ biến việc dạy trẻ thành trò chơi là đã xong, để rồi trẻ muốn chơi sao thì chơi. Mà việc giúp trẻ hình thành ý thức tự giác vẫn đòi hỏi một số những nguyên tắc. Trước hết, đó là chúng ta để cho trẻ quyền chọn lựa, không phải là chọn lựa giữa cái không và cái có mà là chọn lựa giữa việc thực hiện như thế này, hay thực hiện như thế kia. Sau đó trong giai đoạn đầu, chúng ta cũng cần biết cách “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất.

Khi trẻ đã làm được thì có hai điều mà phụ huynh cần lưu ý: Hãy để cho trẻ tự làm, thậm chí có thể có những sai sót vì có như thế, trẻ mới biết rút kinh nghiệm và cho dù thời gian có dài gấp đôi nhưng chúng ta cũng nhất quyết là không nên can thiệp vào. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc dạy trẻ thất bại, vì cha mẹ thường không chịu nổi sự chậm chạp và vụng về của trẻ, để rồi “ra tay” hoàn tất công việc trong tích tắc, thay vì phải chứng kiến sự rề rà của trẻ.

Một yếu tố cần thiết nữa, đó là tính nhất quán – Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức. Vì vậy, hãy có thời khóa biểu sinh hoạt trong ngày cho trẻ, và cả nhà phải tôn trọng và tuân thủ thời khóa biểu này cùng với trẻ.

Một trong những biện pháp nâng cao “kỹ năng” là cho trẻ từng bước tham gia vào các hoạt động trong gia đình, như trong việc dọn dẹp, làm bếp, lau nhà, giặt quần áo..v.v. Chúng ta có thể nhờ bé làm một số việc lặt vặt, vừa làm vừa hướng dẫn thêm cho bé. Dĩ nhiên điều đó sẽ làm cho chúng ta mất thì giờ hơn, mệt hơn… Nhưng có hoạt động huấn luyện nào mà không mất thì giờ và công sức không?

DẠY TRẺ TRONG BAO LÂU?

Chắc hẳn là chúng ta sẽ tự nhủ, chuyện dạy trẻ những việc như đánh răng, rửa mặt, xếp quần áo, giữ bàn học gọn gàng ..v.v. là những chuyện nhỏ, dạy qua vài lượt là trẻ phải nhớ chứ. Điều này đúng, nhưng chưa đủ vì trước hết, có những bé nhạy bén, tiếp thu nhanh “ Thông minh vốn sẵn tính trời” nhưng cũng có những bé chậm chạp, rề rà hay vô tư, dạy trước quên sau. Vì thế, việc tập cho trẻ cũng phải tùy theo khả năng của từng em mà nhanh chóng hay phải kéo dài. Nhưng dù sao thì việc dạy trẻ cũng phải mang tính thường xuyên, từng bước một và luôn luôn cần được động viên, nhắc nhở.

Một điều quan trọng là trẻ rất thích được khen, mà thực ra thì ai chả thế? Vì thế, trong quá trình thực hiện, chúng ta nên có những lời nói có cánh, nhưng cũng phải hợp lý và chừng mực chứ không phải “gì cũng khen”! Còn nếu như trẻ làm sai, làm hỏng thì chúng ta lại không nên chê bai mà thay vào đó là những sự khuyến khích: “Mẹ biết là con có thể làm tốt hơn! Con làm như thế là không được, nhưng mẹ tin là con sẽ làm được mà!”

Như thế, để hình thành một tính cách, chắc chắn không thể là những tác động kiểu “mì ăn liền” mà là một quá trình giáo dục tiệm tiến, đi từ những chuyện nhỏ, kéo dài từ năm này qua năm khác. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta cứ phải kè kè theo trẻ, hướng dẫn cho trẻ hết chuyện này sang chuyện khác, mà trong các năm tháng tiếp theo chỉ là sự quan tâm mang tính giám sát, hỗ trợ và đồng hành cùng trẻ.

Sẽ đến một thời điểm mà trong một số hoạt động, chúng ta nên để cho trẻ tự xoay sở, tự làm và tự chịu trách nhiệm về những gì mình đã làm. Việc cho trẻ tham gia các đội nhóm hoạt động theo sở thích hay theo các kỹ năng cũng là một cách giúp trẻ tự giáo dục mình thông qua các trẻ khác. Điều quan trọng là khi trẻ đã có được những khả năng cơ bản, những kiến thức và kinh nghiệm tối thiểu, thì chúng ta phải biết tin vào trẻ. Chính sự tin tưởng vào khả năng của trẻ sẽ là một động cơ tích cực giúp trẻ phát huy được ý thức tự giác một cách rất …tự giác!

TÍNH TỰ GIÁC CẦN THIẾT CHO TRẺ NHƯ THẾ NÀO?

Có lẽ ai trong chúng ta đều nhận thấy rằng, một số không nhỏ các trẻ em, thậm chí là thiếu niên, thanh niên và cả người lớn, đã không có khả năng tự chủ trong cuộc sống, thường chỉ có thể làm tốt nếu được “cầm tay chỉ việc” thậm chí là chỉ rồi mà vẫn làm sai vì không có sự tự tin – và phải có sự kiểm soát liên tục mới có thể hoàn thành công việc của mình. Điều này thường do thiếu một chữ “ Tự” trong quá trình thành nhân.

Ngay từ bé, nếu các em không được tập cho tính tự giác, thì thiếu khả năng tự giác sẽ đưa đến sự thiếu tự tin, khi đã không tin vào mình thì không thể có Khả năng tự chủ trong công việc, từ chuyện học cho đến chuyện làm. Và khi đã không có sự tự chủ thì chắc khó mà có thể có Tinh thần tự lập cho cuộc đời của mình!

Trong cuộc đời con người, có ba điều quan trọng là Lập ngôn, lập chí và lập nghiệp – mà muốn có được các điều này thì không thể chỉ biết dựa vào sự chăm sóc hỗ trợ của cha mẹ, và của những người xung quanh mà phải bằng sự Tự lập. Chính vì thế, ý thức tự giác mà chúng ta giúp cho con hình thành trong mùa xuân của cuộc đời, chính là bước đầu cho quá trình thành người. Một con người có thể bước đi trong cuộc đời bằng bàn chân và khối óc của mình cũng như tự tin vào chính mình. Điều đó, chúng ta gọi là Hạnh Phúc!

"Thông tin được cung cấp đã được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn đáng tin cậy và nên chỉ sử dụng như một nguồn tài liệu tham khảo đáng tin, không nên lạm dụng để vi phạm các quy định pháp luật."