Dù ở nền văn hóa nào thì mẹ chồng nàng dâu vẫn là mối quan hệ rất nhạy cảm và có nhiều mâu thuẫn. Bạn kết hôn xong, mẹ chồng sẽ gây đủ thứ phiền nhiễu cho bạn. Đặc biệt sau khi bạn sinh con, sự xuất hiện của thành viên bé nhỏ này có thể đẩy mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu đến bờ vực thẳm. Tuy nhiên, nếu chị em phụ nữ dành thời gian và có một vài chiến lược đơn giản, bạn có thể khiến mọi việc đạt được mức chấp nhận được. Thậm chí biết đâu sau một vài năm, bạn lại học được cách yêu bà.
Dưới đây là những chia sẻ của chị Stef Daniel, một bà mẹ Mỹ có bốn cô con gái, tác giả của rất nhiều bài viết về nuôi dạy con và ứng xử trong gia đình trên trang everydayfamily về cải thiện quan hệ mẹ chồng – nàng dâu.
Xem thêm chuyên mục suc khoe sinh san và ngoại tình đầy hấp dẫn
1. Nhìn mọi việc theo quan điểm của bà
Trước hết, bạn cần phải thấu hiểu tình huống. Có thể bạn và mẹ chồng đều là những người hơi bảo thủ và cứng đầu. Tuy nhiên, hãy thử nhìn mọi việc theo quan điểm của bà. Bà yêu con trai mình – người bạn đời của bạn, yêu các cháu của mình – con của bạn và muốn được gắn bó cuộc đời mình với họ. Điều duy nhất khiến bà không còn giữ được vị trí “bà chúa trong gia đình” chính là bạn.
Vì thế, một chút ghen tị xuất hiện trong suy nghĩ của bà là điều dễ hiểu. Đương nhiên, bạn không nên nói năng một cách hỗn láo hoặc tỏ ra thường xuyên coi thường bà, nhưng rõ ràng bạn cũng không cần phải tham gia vào cuộc “chiến tranh thế giới lần thứ ba” chỉ vì một vấn đề gì đó, ví dụ bọn trẻ. Nếu bạn là một người hơi nóng nảy thì bạn nên đặt vấn đề về phía mình nhiều hơn.
2. Thiết lập một ranh giới ngay từ đầu
Có rất nhiều người cho phép hoặc nhờ vả mẹ chồng chăm sóc con của mình toàn thời gian (giống như một người giữ trẻ vậy), rồi sau đó lại cố gắng điều chỉnh con cái và cách nuôi dạy con theo ý mình, đó là điều vô cùng khó khăn. Tốt nhất, bạn hãy thiết lập ranh giới ngay từ ban đầu. Nếu bạn muốn ranh giới đó giữ được bạn và mẹ chồng ở đúng vị trí trong gia đình của mình, bạn cũng phải thực hiện một số nhượng bộ về phía mình. Thiết lập ranh giới bằng sự tử tế và tôn trọng nhau.
Bạn không thể yêu cầu bà tránh xa, nhưng bạn nên làm rõ rằng bạn hiện giờ là người chủ gia đình nhỏ của bạn, điều đó cần được tôn trọng. Nếu bà tiếp tục can thiệp vào cuộc sống của gia đình bạn, bạn phải cố gắng giữ được vị trí của mình, nhưng đảm bảo rằng bạn không gây nên tranh cãi hay cảm giác oán giận.
Không có gì là sai nếu bạn mong muốn có những khoảng thời gian chỉ có vợ chồng bạn và đứa con nhỏ của bạn bên nhau mà không có sự có mặt của mẹ chồng. Nếu bà cho rằng mình không cần phải gọi điện trước mỗi khi đến nhà bạn hoặc bà mang bánh kẹo cho bọn trẻ ăn ngay trước bữa tối khiến bạn khó chịu, bạn hãy chọn một thời gian hợp lý, mọi người cùng vui vẻ để nói rằng bạn thấy những điều đó là không phù hợp. Tất nhiên, bạn vẫn phải để bà đến chơi với gia đình bạn khi bà muốn.
3. Không tâm sự tất cả mọi thứ với mẹ chồng
Nếu bạn chia sẻ tất cả mọi điều với mẹ chồng thì cũng có nghĩa là bạn đang mời chào mẹ chồng tham gia vào tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của bạn. Hãy cố gắng giữ các xung đột vợ chồng cũng như những vấn đề hôn nhân cho riêng bạn. Chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn khi có người bạn đời bên cạnh để đối phó những vấn đề giữa bạn và mẹ của người ấy. Tuy nhiên, nếu bạn đời của bạn không nhìn mẹ mình đã lôi kéo, gây phiền như thế nào thì tự bạn phải xử lý.
Nếu bạn cảm thấy mẹ chồng đang thiếu tôn trọng bạn, thay vì đối đầu, bạn hãy cố gắng nói chuyện với bà về điều đó một cách tử tế và tôn trọng bà. Có thể bà hành động như vậy chỉ vì sợ mất vị trí quan trọng trong trái tìm con trai mình. Thay vì đổ lỗi và phán xét bà, tốt hơn, bạn hãy nói về những cảm xúc của bạn, rằng bạn cảm thấy bị tổn thương như thế nào. Bạn cũng nên để cho bà một cơ hội giải thích.
4. Hãy để mối quan hệ giữa bạn và bà có thời gian phát triển
Đúng là rất dễ nổi điên nếu có một bà mẹ chồng dường như luôn biết mọi thứ rõ hơn bạn hoặc luôn chú ý và nhìn thấy sai lầm của bạn khi thực hiện một việc gì đó. Có thể bạn không muốn thừa nhận những sai lầm đó, nhưng biết đâu, rất nhiều lần bà nói đúng và nhận xét của bà có thể hữu ích cho bạn.
Vì mẹ chồng sẽ còn sống với vợ chồng bạn lâu dài, nên bạn hãy chọn đi, hoặc là tiếp tục khốn khổ và tức giận với bà hoặc là cải thiện mối quan hệ để cả hai cùng vui vẻ.
Bạn và mẹ chồng – hai bà mẹ, hai người vợ cùng yêu chung một số người, chỉ có thể có nhiều điểm chung hơn bạn đã biết. Khi năm tháng trôi qua, những điểm tương đồng đó có thể mang hai người lại gần nhau hơn. Còn nếu không thể hòa hợp thì hãy nên để mọi việc ở mức có thể chấp nhận được.